Gặp gỡ cô gái đa tài Phạm Hoàng Bội
- Chào Hoàng Bội, đôi dòng tự bạch về bạn?
- Cảm nhận của Hoàng Bội về môi trường học tập và cuộc sống hiện tại hoặc một ngày bình thường của bạn trông như thế nào?
- Bạn làm thế nào để vượt qua những khó khăn khi đi du học?
- Những kiến thức hoặc kỹ năng được trang bị tại VAS đã hoặc vẫn đang giúp Hoàng Bội trong môi trường và bậc học mới này?
- Chia sẻ của bạn dành cho các em học sinh thế hệ sau của VAS?
Sau 13 năm học tập tại VAS, năm 2019, Phạm Hoàng Bội đã cùng lúc đoạt được 3 học bổng du học tại 3 trường đại học danh tiếng ở Mỹ gồm: University of Minnesota – Twin Cities (Minnesota): học bổng 40,000usd/4 năm, Depaul University (Chicago): học bổng 88,000usd/4 năm và University of The Pacific (California): học bổng 88,000usd/4 năm.
Trước đó, Hoàng Bội cũng đã đạt 50% học bổng của Chương trình ‘Trại hè Khoa học 2018’ do Etest tổ chức và đạt giải Nhất dự án nhóm ‘Khoa học thần kinh 1’ của Trại hè Khoa học 2018; Giải khuyến khích cấp thành phố (TP.HCM) ở Dự án ‘Nhà Báo tương lai’ trong cuộc thi ‘Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT’, Giải Nhì dự án nhóm – Dự án ‘Học sinh tìm hiểu về tâm lý học’, Giải Nhì cá nhân – Cuộc thi viết văn về ‘Mẹ tôi’ và Giải Nhất cá nhân - Cuộc thi ‘My Dream 2010’.
Mời các bạn cùng theo dõi cuộc trò chuyện thú vị với Hoàng Bội nhé!
1. Chào Hoàng Bội, đôi dòng tự bạch về bạn?
Xin chào, mình tên là Phạm Hoàng Bội là cựu học sinh của Việt Úc (VAS), cơ sở Hoàng Văn Thụ năm học 2018-2019, hiện đang là sinh viên năm nhất của trường đại học tại bang Minnesota, University of Minnesota – Twin Cities (Mỹ) và đang theo học ngành Business and Marketing Education. Trường của mình rất to, trải rộng liền cả hai thành phố là Minneapolis và St. Paul, nên khi nhìn từ xa, trường trông như một vương quốc khổng lồ đang chứa đựng hơn 60,000 “thần dân” tại đây.
2. Cảm nhận của Hoàng Bội về môi trường học tập và cuộc sống hiện tại hoặc một ngày bình thường của bạn trông như thế nào?
Khác với những gì mọi người thường nghĩ về thành phố mình học, nhịp sống học tập và sinh hoạt của sinh viên tại đây thật sự nhanh và sôi động. Mình nhận thấy được điều này khi quan sát và học hỏi từ các anh chị khoá trên. Trong một quỹ thời gian 24 tiếng một ngày, các sinh viên đã có thể vừa học trên lớp vừa hoàn thành bài tập, tham gia các sự kiện trao đổi văn hoá, đi thi đấu thể thao, điều hành các câu lạc bộ và các tổ chức của học sinh, tập thể dục, đi chơi cùng bạn bè, đi thực tập và làm thêm, và hơn hết là luôn có thời gian cho “party” và ngủ! Thật khó để có thể hình dung cách các sinh viên có thể hoàn thành hết khối lượng việc trên mà vẫn trông thật năng động và tràn đầy năng lượng. Tuy có chút khó khăn và mệt mỏi lúc ban đầu, nhưng khi bắt kịp được nhịp sống này, mình cảm thấy rất vui vì mỗi một ngày trôi qua thật ý nghĩa và bản thân mình đã tiến bộ hơn một chút, tâm trạng tích cực hơn một chút. Để đến cuối tuần khi quay nhìn lại, mình tự hào khi có cảm giác chủ động hơn trong cuộc sống của chính mình và sẵn sàng chuẩn bị cho một tuần mới lại đến.
3. Bạn làm thế nào để vượt qua những khó khăn khi đi du học?
Câu nói “Chuyện du học không phải màu hồng” thật sự đúng! Khi đã dấn thân vào, mình mới thật sự “thấm” câu nói này. Du học là khi bạn tự lo mọi thứ trong cuộc sống bạn. “Mọi thứ” là kể cả chuyện to lẫn chuyện nhỏ, việc học tập, thi cử, điểm số, cạnh tranh trong lớp học, cạnh tranh trong chỗ làm thêm, việc ăn, việc ngủ, giặt đồ, tình trạng sức khoẻ, và tâm trạng mình khi vui khi buồn. “Mọi thứ” là khi bạn nghĩ cuộc sống đã tạm đi vào quỹ đạo và bỗng nhiên có những chuyện vặt vãnh, hết sức vớ vẩn ập tới, làm mọi thứ rối tung lên và bạn vừa phải làm cho xong việc chính vừa phải nghĩ cách giải quyết việc phụ. Có những lúc tâm trạng bạn thật buồn, thật khó chịu, chỉ muốn ngừng hết tất cả và tìm kiếm một người để tâm sự. Nhưng vì cuộc sống luôn nhanh và sôi động, bạn vẫn phải làm việc trong trạng thái tốt nhất có thể và mỉm cười thật tươi trước mọi thứ.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng vừa ý nên mình nghĩ học cách chấp nhận và đối mặt rất quan trọng. Nếu như lúc trước mình hay buông lời than vãn, trách móc mọi thứ thì bây giờ, khi biết bản thân đang cảm thấy không ổn, mình chọn cách làm một điều gì đó khác thường ngày. Đó có thể là buộc một kiểu tóc mới, tô một màu son đậm hơn, hay ăn một món đồ ngọt mà mình thích hoặc đơn giản là nghe một bản nhạc của một đất nước mình chưa bao giờ nghe qua (mình hay chọn nhạc Thái Lan vì giai điệu hay mà âm điệu cũng rất lạ tai). Tìm được niềm vui trong những việc nhỏ này thật sự hữu ích lắm đấy!
4. Những kiến thức hoặc kỹ năng được trang bị tại VAS đã hoặc vẫn đang giúp Hoàng Bội trong môi trường và bậc học mới này?
Khi du học, rào cản ngôn ngữ là khó khăn lớn mà nhiều sinh viên gặp phải. Khó khăn ở đây không phải là khả năng phát âm chuẩn hay câu từ phải đúng văn phạm mà là bạn có dám mở lời nói hay không. Chính bởi trở ngại này mà mình nhìn thấy có rất nhiều sinh viên không tìm được sự hỗ trợ từ cộng đồng và từ nhà trường vì nếu không nói, không giải thích thì mọi người sẽ không biết giúp các bạn ấy như thế nào. Lúc đó mình thật sự nhớ đến khoảng thời gian của mình tại VAS. Trong suốt 13 năm học tại VAS, những tiết học cùng các thầy cô và các dự án ngoại khoá đã giúp mình làm quen với ngôn ngữ tiếng Anh học thuật từ sớm. Vì thế, khi bước chân vào giảng đường nước Mỹ, tiếng Anh không còn xa lạ mà còn giúp mình mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ và thể hiện bản thân nhiều hơn trước các giáo sư và bạn bè quốc tế.
Ở VAS, sự mạnh dạn trong giao tiếp bằng tiếng Anh là một quá trình dài tôi luyện và cọ xát không ngừng, nhưng xứng đáng vì nó giúp mình nhận được sự hỗ trợ khi khó khăn và cho mình năng lực để có thể đến gần hơn, thấu hiểu hơn, và giúp đỡ các sinh viên khác trong các hoạt động tình nguyện tại University of YMCA, và sắp tới là trong hoạt động chào đón tân sinh viên thường niên với vai trò là một Welcome Week Leader. Hơn nữa, sự quan tâm và động viên kịp thời của thầy cô là động lực giúp mình tự tin hơn để đối diện vấn đề và đưa ra quyết định phù hợp. Đó là những kỷ niệm ngọt ngào mà đến bây giờ mình vẫn nhớ và vận dụng vào công việc hiện tại của mình tại trường - một “Student Representative of McNamara Alumni Center”.
5. Chia sẻ của bạn dành cho các em học sinh thế hệ sau của VAS?
Với trải nghiệm cá nhân, lời khuyên nhỏ dành cho các học sinh của VAS khi chọn con đường du học là hãy chuẩn bị thật tốt các kỹ năng mềm để tự chăm sóc cho bản thân như kỹ năng sắp xếp công việc và quản lý thời gian. Ngoài ra, cần có một trạng thái chủ động và cách nhìn tích cực trong sự việc. Chúc các em có một trải nghiệm du học trọn vẹn nhé!
Câu chuyện du học tuy có nhiều khó khăn nhưng rực rỡ sắc màu. Thật vui vì đã có một trải nghiệm như vậy!